Sáng kiến “Giải pháp hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh sau THCS ở trường TH&THCS Tân Hiệp B năm học 2018 – 2019″

- Lĩnh vực mới, sự khác biệt của giải pháp cũ:

Điểm mới là các em không còn học chay, học lý thuyết như trước đây, nhưng các em còn được được trải nghiệm thực tế qua các cơ sở nhà máy, xí nghiệp ở địa phương. Ngoài ra các em được các chuyên gia tư vấn từ chính các thầy ở các trường Cao đẳng, trung cấp nghề, các em được các trường nghề tạo điều kiện tìm việc làm sau khi ra trường. Sự khác biệt lớn nhất so với giải pháp cũ là các em được sàng lọc ngay từ nhà trường, nhất là những em không có khả năng vào THPT được ban tư vấn hướng dẫn học nghề gì, học ở đâu, mặc dù có tiền hay không có tiền đều được tạo điều kiện học nghề. Không chỉ các em mà ngay cả cha mẹ các em cũng được tư vấn nên sau khi thực hiện giải pháp gần như không còn học sinh sau THCS bỏ học ở nhà, các em rất phấn khởi vì trước mắt mở ra một tương lai tươi sáng.

- Các bước thực hiện của giải pháp:

Giải pháp 1: Tuyên truyền trong và ngoài nhà trường:

Giải pháp tuyên truyền là một trong những giải pháp quan trọng. Trước hết là là tuyên truyền ngay trong nhà trường. tuyên truyền cho các thầy cô giáo, từ giáo viên chủ nhiệm, giáo viên tổng phụ trách Đội đến giáo viên bộ môn để mỗi thành phần đều thấy vai trò của mình trong việc định hướng nghề cho các em, quý thầy cô có thể phát hiện ra những sở trường, khả năng của từng em để bồi dưỡng, động viên các em phát huy và nhất là hướng các em vào nghề mà các em có khả năng.

Vai trò của cha mẹ các em hết sức đặc biệt, gần như mang tính quyết định đến tương lai của các em, vì thế cần phải tuyên truyền để họ nhận thấy được định hướng nghề có vai trò quan trọng như thế nào đến tương lai của các em. Vào cuối năm học nhà trường đã tư vấn cho từng phụ huynh ở lớp cuối cấp THCS vì sao nên chọn nghề này, vì sao nên chọn nghề kia cho con em mình, dựa trên các cơ sở đã năm bắt từ học sinh để thuyết phục họ. Từ đó có nhiều phụ huynh hiểu rõ hơn về khả năng học nghề của các em.

Qua công tác tuyên truyền, đa số quý thầy cô giáo, cha mẹ các em đều nhận thức sâu sắc vai trò của công tác giáo dục định hướng nghề và nhiệt tình cộng tác. Từ đó là chuyển biến tích cực cho công tác này.

Giải pháp 2: Thực hiện chương trình hướng nghiệp theo hướng mới:

Sau khi được phân công giáo dục hướng nghiệp lớp 9, tôi đã lập một kế hoạch cụ thể, chi tiết trình lãnh đạo nhà trường phê duyệt và được lãnh đạo nhà trường chấp thuận và ủng hộ. Trong bản kế hoạch, ngoài chương trình cũ (tháng dạy 2 tiết) tôi kết hợp với Tổng phụ trách Đội và GVCN cho các em được đi trải nghiêm thực tế ở các cơ sở nghề truyền thống ở địa phương mỗi em ít nhất được đi một lần trong năm học như cơ sở hàn, tiện, cơ khí; cơ sở nhôm, Inox; cơ sở sửa chữa ô tô, xe máy… mục đích cho các em quan sát thực tế một số nghề, yêu mến nghề nghiệp và quý trọng lao động.

Để mở rộng sự hiểu biết sự phong phú của các nghề và sự hiện đại của các cơ sở nghề, trong các tiết lý thuyết tôi đã cho các em xem trên youtube một số nghề hiện đại như sản xuất và lắp ráp điện tử; sản xuất và lắp ráp ô tô; sản xuất chế biến lương thực, thực phẩm …hầu hết các em rất hứng thú và thể hiện ước mơ việc làm sau này của mình.

Giải pháp 3: Thành lập tổ tư vấn:

Trong kế hoạch tôi đã đề nghị với lãnh đạo nhà trường thành lấp tổ tư vấn và đã được chấp thuận, trong đó Phó hiệu trưởng là tổ trưởng, các thành viên bao gồm tổng phụ trách Đội, các tổ trưởng chuyên môn, GVCN. Các thành viên được phân công phân nhiệm rõ ràng, trong đó chủ yếu là quan sát, theo dõi và giúp đỡ từng nhóm học sinh, phát hiện khả năng của từng em và hướng các em vào con đường theo đúng sở trường của mỗi em.

Ngoài ra, tổ tư vấn còn có nhiệm vụ tuyên truyền, giải thích cho các em và gia đình các em tầm quan trọng của nghề nghiêp, tại sao phải học nghề và động viên cha mẹ các em khó khăn mấy cũng phải cho các em học một cái nghề vì cha ông ta đã từng nói: “Nhất nghệ tinh, nhất thân vinh”.

Giải pháp 4: Mời chuyên gia giới thiệu và tư vấn học nghề:

Ngoài các giải pháp trên, nhà trường còn mời chuyên gia giới thiệu và tư vấn học nghề đến để nói chuyện với các em để các em càng thấy sự tự tin khi vào các trường nghề sau này. Năm 2017 – 2018 đã có 2 lần nhà trường mời thầy phó hiệu trưởng trường trung cấp nghề Việt – Hàn Phú Quốc về nói chuyện với các em và cha mẹ các em học sinh lớp 9 và 2 lần được các nhân viên trường trung cấp nghề Tân Hiệp về tư vấn. Qua các buổi nói chuyện các em hiểu rõ hơn các nghề của từng trường, các em tin tưởng hơn ở các trường dạy nghề.

Đặc biệt hơn qua mời chuyên gia, một số trường còn hứa tìm việc sau khi các em ra trường với mức lương khá ổn định hoặc tạo điều kiện cho các em vừa học vừa làm các em vừa có thu nhập để đóng học phí vừa có kinh phí để lo cho cuộc sống trước mắt không quá phụ thuộc vào kinh tế gia đình. Như vậy không có em nào là không có cơ hội học tập.

Giải pháp 5: Đầu tư cơ sở vật chất để các em học nghề phổ thông:

Một giải pháp lâu dài là cần phải đầu tư cơ sở thiết bị dạy nghề cho các em. Hầu hết các trường hiện nay chủ yếu dạy nghề môn tin học, nhưng đâu phải em nào cũng học được môn này hay yêu thích môn này. Vì vậy nhà trường cần đầu tư các thiết bị dạy nghề đa dạng hơn, các lớp học nghề đa dạng hơn để phù hợp với sở trường cũng như sở thích của các em như thế chúng ta mới phát huy hết tiềm năng của các em. Bản thân thiết nghĩ nếu giải pháp này được áp dụng tốt sẽ dem lại hiệu quả cao hơn nữa trong việc hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh sau THCS.

Đỗ Đặng Đình Điệp – HT Trường TH&THCS Tân Hiệp B.