Kinh nghiệm giáo dục đạo đức cho học sinh tiểu học

gddd
“Giáo dục đạo đức cho học sinh bậc Tiểu học ” thông thường thực hiện qua nội dung cụ thể của các giải pháp sau:


Giải pháp 1: Quá trình giáo dục đạo đức học sinh trong nhà trường.
Nhà trường phải thường xuyên nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm cho đội ngũ cán bộ giáo viên và công nhân viên về công tác giáo dục đạo đức cho học sinh. Phải làm cho toàn thể cán bộ giáo viên, công nhân viên thấy rõ tầm quan trọng và sự cấp thiết của công tác giáo dục đạo đức cho học sinh trong giai đoạn hiện nay. Từ đó nâng cao ý thức, tinh thần trách nhiệm, tích cực tham gia hoạt động nhằm góp phần nâng cao chất lượng giáo dục đạo đức cho học sinh nói riêng và chất lượng giáo dục toàn diện của nhà trường nói chung.
Đối với người làm công tác quản lí trong nhà trường: phải quán triệt mọi chủ trương đường lối của Đảng, Nhà nước, các quy chế của Bộ giáo dục và Đào tạo, chỉ thị của Sở Giáo dục và Đào tạo về công tác giáo dục đạo đức cho học sinh.
Đối với giáo viên chủ nhiệm lớp: là người trực tiếp giáo dục các em, là người có vai trò quan trọng trong quá trình hình thành nhân cách của học sinh. Vì vậy, trước hết người giáo viên chủ nhiệm phải là người nắm vững đặc điểm tâm sinh lí của học sinh, nắm được đặc điểm tính cách và hoàn cảnh gia đình của mỗi học sinh; trên cơ sở đó, có những giải pháp tác động phù hợp đối với từng đối tượng học sinh trong lớp mình phụ trách.
Giáo viên chủ nhiệm còn là người quản lý toàn diện học sinh của lớp được phụ trách, là cầu nối giữa Ban giám hiệu với các tổ chức trong nhà trường, các giáo viên bộ môn với tập thể lớp, là người cố vấn tổ chức các hoạt động tự quản của lớp, đồng thời là người đứng ra phối hợp các lực lượng xã hội nhằm thực hiện tốt mục tiêu giáo dục của trường.
Xuất phát từ thực trạng công tác chủ nhiệm của trường, việc đưa ra các giải pháp giúp giáo viên chủ nhiệm định hướng đổi mới công tác chủ nhiệm cho phù hợp với tình hình thực tế của trường và địa phương mang ý nghĩa quan trọng đối với công tác giáo dục đạo đức học sinh trong giai đoạn hiện nay.
Giải pháp 2: Giáo dục đạo đức cho học sinh thông qua môn đạo đức:
Trong tiết học đạo đức giáo viên thường xuyên cho học sinh liên hệ thực tế nội dung bài học, để học sinh kể lại những việc mà mình đã làm được, đây là cách để học sinh tự giác kể lại sự việc mà các em đã làm và cũng là cách để các em thể hiện mình trước bạn bè, thầy cô giáo, vừa kể lại câu chuyện hay việc làm của bản thân, vừa là để cả lớp trao đổi, bàn bạc và học tập theo. Đây là cách giáo dục vừa manh tính tự giác cao, gây được sự chú ý của cả lớp. Vì các em vừa được làm việc, vừa được kể lại thì các em nhớ được rất lâu, hơn nữa còn là nguồn động viên cổ vũ của thầy cô và bạn bè thì các em càng hăng say, thi đua trong học tập và rèn luyện. Thông qua tiết học giáo viên thường xuyên cho các em nhập vai, kể lại và hành động theo nội dung của bài học thì tiết học thêm sôi nổi, gây được sự chú ý của các em, từ đó giáo dục cho các em có thói quen tự giác, có thói quen học đi đôi với hành, đây là sự kết hợp hài hòa giữa giáo dục và rèn luyện nhân cách cho học sinh. Trong các tiết học đạo đức giáo viên chú trọng đến phương pháp hoạt động nhập vai các nhân vật trong câu chuyện, thông qua các hoạt động này giáo viên cho các em liên hệ với bản thân, những việc mà các em đã làm cho cả lớp nghe…Sau đó cho học sinh nhận xét, giáo viên nhận xét.
Giải pháp 3: Giúp học sinh mạnh dạn trong mọi tình huống.
Một số đối với những học sinh còn rụt rè trong giao tiếp, chưa mạnh dạn trước tập thể tôi luôn nhẹ nhàng, động viên, khích lệ các em từ từ, tránh nóng vội sẽ làm các em hoảng sợ. Trong các tiết học tôi thường kể những mẩu chuyện về gương tốt, việc tốt, những câu chuyện về tấm gương vượt khó. Sau mỗi lần kể tôi đều phân tích cặn kẽ nhằm hình thành cho các em một suy nghĩ: con người sống phải có mục đích, phải có ý chí vươn lên.
Tôi thường khen trước lớp những học sinh luôn cố gắng và có nhiều tiến bộ, điển hình như em học sinh nữ tên là Trúc. Em học khá nhưng rất nhút nhát và thụ động, trong giờ học ít khi phát biểu ý kiến mặc dù tôi biết là Trúc có thể trả lời. Hôm ấy trong giờ kể chuyện tôi yêu cầu học sinh phải nhập vai kể lại câu chuyện và chọn Trúc vào vai cô cháu gái. Trúc không chịu vì bảo rằng mình không biết đóng. Tôi đã thuyết phục Trúc rất lâu và bảo Trúc hãy nhớ và quan sát những lần sắm vai trước của các bạn cho thật kĩ. Trúc rụt rè nhưng rồi cuối cùng vẫn đồng ý. Kết quả, không hay lắm nhưng tôi thấy Trúc rất vui. Tôi lại khen ngợi Trúc đã mạnh dạn và có nhiều cố gắng để động viên em mạnh dạn hơn trong những lần sau.
Hiện nay cả thế giới nói chung, nước Việt Nam nói riêng đang hứng chịu Đại dịch Covid – 19, việc giáo dục các em ý thức thực hiện 5 K của bộ y tế cũng cần sự hỗ trợ của hệ thống Internet, của cộng đồng xã hội, thông qua các buổi học onlink…
Giải pháp 4: Giáo dục đạo đức cho học sinh thông qua ca dao tục ngữ, thơ ca:
Giáo dục các em thông qua ca dao tục ngữ, thơ ca Việt Nam thì đây là một phương pháp hết sức sáng tạo, vì nó gần gũi với các em, nhẹ nhàng, dễ nhớ, dễ hiểu, các em tiếp thu nhanh và đạt hiệu quả cao, như giáo dục về công lao của cha mẹ, đã ngày đêm dạy dỗ, chăm sóc các em, lo cho các em ăn ngon, mặc đẹp, nâng niu giấc ngủ cho các em, giáo viên cần nêu một số câu ca dao, tục ngữ, sau đó tổ chức cho học sinh tìm những câu ca dao, tục ngữ nói về công lao của cha mẹ…ví dụ:
“ Đi khắp thế gian không ai tốt bằng mẹ
Gánh nặng cuộc đời không ai khổ bằng cha.
Nước biển bao la không đong đầy tình mẹ
Mây trời lồng lộng không phủ kín công cha”.
“Công cha như núi Thái Sơn
Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra
Một lòng thờ mẹ kính cha
Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con.”
Nói đến ca dao – tục ngữ thì trong chúng ta ai cũng biết rằng đây là kho tàng quí báu của ca dao, tục ngữ Việt Nam. Đặc biệt giá trị giáo dục đạo đức mang tính nhân văn sâu sắc. Tục ngữ, ca dao nghe ví von, dễ đi vào lòng người, ngắn gọn, dễ nhớ, dễ tiếp thu nên các em tiếp thu cũng rất nhanh và thu được kết quả khả quan.
Giải pháp 5: Kết hợp hợp vững chắc giữa ba môi trường gia đình, nhà trường và xã hội để giáo dục học sinh
Như ta đã biết hiện nay việc giáo dục đạo đức cho học sinh không còn là việc của riêng nhà trường nữa mà phải có sự phối kết hợp chặt chẽ giữa gia đình, nhà trường và xã hội. Việc hình thành nhân cách học sinh cũng phụ thuộc phần lớn từ phía gia đình và xã hội.
Nhà trường kết hợp với gia đình, phối hợp với ban chấp hành hội PHHS để giáo dục đạo đức học sinh. Thông qua ban chấp hành hội PHHS để thông báo tình hình chung của nhà trường, và nhờ phụ huynh can thiệp, hỗ trợ, giúp đỡ để giáo dục các em kịp thời.
Vai trò của gia đình là rất quan trọng trong việc giáo dục đạo đức cho con cái. Truyền thống văn hóa, đạo đức gia đình ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển nhân cách của các em. Khi gia đình coi trọng việc dạy dỗ đạo đức cho con cái, bắt đầu bằng những bài học rất đơn sơ như chào hỏi, thưa gửi… sẽ giúp trẻ ý thức được mỗi lời nói cũng như từng hành vi cử chỉ của mình. Trẻ em mà đặc biệt là lứa tuổi học sinh Tiểu học dễ bị tác động, ảnh hưởng bởi những lời nhận xét, đánh giá, những lối sống, trào lưu sống bên ngoài, do vậy, giáo dục cho các em có một lối sống đạo đức vững vàng là cần thiết để các em có thể đứng vững và trưởng thành, trở thành một người con ngoan hiền, giúp ích cho bản thân, gia đình và xã hội.
Giải pháp 6: Giáo dục học sinh thông qua các tổ chức chính trị xã hội ở địa phương:
Vào đầu năm học nhà trường phối kết hợp với các tổ chức đoàn thể của địa phương, như Hội đồng Đội, Đoàn thanh niên, hội Phụ nữ, Mặt trận Tổ quốc xã… cùng cam kết giáo dục học sinh. Như phối hợp trong phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”. Nhà trường cùng các đoàn thể của địa phương đã phối kết hợp trong việc: như không để học sinh thiếu ăn, thiếu mặc, thiếu sách vở vào đầu năm học. Tuyên truyền cho các bà mẹ về kiến thức, kỹ năng chăm sóc, giáo dục kỹ năng sống cho học sinh. Học onlink an toàn, đảm bảo an toàn khi sử dụng các thiết bị điện ( điện thoại, máy tính) học tập tại nhà, ngăn chặn tình trạng chơi game online và các trò chơi có nội dung bạo lực hoặc không lành mạnh.
Nhà trường hướng dẫn việc tự học, tự rèn luyện đạo đức, lối sống, kỹ năng sống của học sinh trong gia đình và cộng đồng, trao đổi các kỹ năng giáo dục học sinh cho gia đình để phối kết hợp giáo dục các em. Tổng phụ trách Đội, bí thư Đoàn thanh niên chủ động xây dựng kế hoạch bồi dưỡng đoàn viên, giáo viên chủ nhiệm về các biện pháp giáo dục học sinh… để nâng cao hiệu quả giáo dục đạo đức cho học sinh.

(Nguyễn Thị Kim Muôn)